Hoàn cảnh ra đời của bài hát Tạ Từ Trong Đêm

  • 11:44 07/01/2022

Tạ Từ Trong Đêm là ca khúc được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cho ra đời vào năm 1965, đây là ca khúc nổi tiếng trong làng nhạc vàng và ca sĩ Phương Dung là người đầu tiên thể hiện thành công ca khúc này. Nhắc đến ca sĩ Phương Dung là không thể không nhắc đến những bài hát nổi tiếng trước đó của cô như: Nỗi Buồn Gác Trọ( 1962), Những Đồi Hoa Sim(1964)...

 

Bài hát mang một nỗi buồn của tình yêu đời lính

 

Tạ Từ Trong Đêm là ca khúc nhạc vàng, bolero được viết theo cung thứ với giai điệu rất buồn. Bài hát viết về cuộc chia tay đầy nghẹn ngào của một đôi uyên ương trong đêm trước khi chàng lính ra chiến trường. Đó là câu chuyện đã xuyên suốt rất nhiều bài hát như: Hành Trang Giã Từ( Trường Sa), Khuya Nay Anh Đi Rồi (Châu Kỳ), Trước Giờ Tạm Biệt( Hoài An)...Đây đều là những nỗi buồn chinh chiến mà cả dân tộc Việt Nam phải gánh chịu trong những năm tháng ác liệt của khói lửa chiến tranh. Trong khoảng thời gian đó, đã có rất nhiều cặp đôi đã từng phải hát những câu "tạ từ trong đêm", rồi phải chịu cảnh kẻ ở lại, người ra đi. Cũng có những đôi tình nhân không có ngày gặp lại, khi chàng là một người lính đã hy sinh anh dũng ngoài chiến trường, để lại nàng trong cảnh góa bụa.

Trong bài hát này, nếu chú ý sẽ thấy nhạc sĩ Trần Thiện Thanh rất khéo léo khi dùng chữ "Tạ Từ", rất thi vị nhưng cũng đầy ý nghĩa. Thay vì dùng "tiễn đưa" hay "tạm biệt", tác giả lại khéo léo chọn " tạ từ" có nghĩa là tạ ơn và từ biệt. Đó là một cách dùng chữ tinh tế thể hiện được sự biết ơn đối với người lính, người yêu của mình khi đã dũng cảm đi ra chiến trường, chưa biết khi nào trở về mà có khi cũng không thể trở về được.

Khung cảnh trong bài hát

 

Khung cảnh của bài hát là đôi tình nhân hẹn nhau nơi góc phố hay ở một công viên nào đó:

 

Thăm thẳm chiều trôi, khuya anh đi rồi sao trời đưa lối
Khi thương mến nhau hai người hai ngả tránh sao bồi hồi
Hẹn gặp nhau đây đêm thâu lá đổ, sương giăng kín mờ nhạt nhòa ước mơ
Đã gặp nhau rổi, sao em không nói, sao em cúi mặt, em giận hờn anh chăng?

 

Cô gái thấy thời gian như chìm xa thăm thẳm, bởi vì buổi chiều hôm ấy không giống như những buổi chiều hẹn hò trước đó. Bởi vì sau hôm nay, anh đã ra tiền tuyến còn em ở lại hậu phương chờ đợi ngày anh trở về. Đêm đã dần về khuya, trời lành lạnh với sương giăng kín mờ, đêm thâu lá đổ và người con gái vẫn cúi mặt nghẹn ngào không thể nói nên lời. Trước bối cảnh đó, anh lính cũng hiểu hết tâm sự của người thiéu nữ đó, điều này thể hiện trong những câu hát sau:

 

Anh hiểu rồi đây khuya nay em về trăng gầy soi bóng
Nên em cúi mặt ngăn giòng nước mắt phút giây tạ từ.

 

Khuya nay là đêm cuối cùng, rồi ngày mai sẽ vắng bóng người mình yêu, trăng gầy sẽ chỉ còn soi một bóng cô đơn, nên hình ảnh cô gái cúi mặt không phải là giận hờn chi mà chỉ là cố gắng ngăn những giọt lệ rơi trong lúc chia ly.

Lời nhắn nhủ của anh lính với người yêu

 

Đừng buồn nghe em, tuy anh biết rằng xa xôi vẫn làm tâm tư héo mòn
Nếu em đã trọn thương anh xa vắng
Xin em chớ buồn cho nặng lòng chinh nhân…

 

Cô gái vẫn tiếp tục lặng yên nên chàng lính tiếp tục giải thích về ý nghĩa của phút giây từ biệt:

 

Nếu em biết rằng có những người đi đấu tranh chưa về, mang lời thề lên miền sơn khê, từng đêm địa đầu hun hút gió sâu
Nếu em đã gặp mẹ già thương con khấn nguyện đêm rằm
Vợ yêu chồng đan áo lạnh từng đông, thì duyên tình mình có nghĩa gì không?

 

Nếu đặt bên cạnh tình yêu với quê hương, đất nước thì một chút hi sinh vì tình yêu riêng này thật là nhỏ bé chẳng thấm vào đâu cả. Trót sinh ra trong tình cảnh loạn lạc, nên những người ra chiến trận đều mong có ngày hòa bình được lập lại để trở về nhìn thấy đôi môi, nụ cười của mẹ già, những em thơ và người yêu của mình.

 

Anh hỏi một câu khi trong đêm dài vọng về tiếng súng
Sao em cúi mặt không nhìn đôi mắt hứa thương em trọn đời…

 

Ở cuối buổi hẹn hò, anh lính hỏi cô gái sao vẫn còn cúi mặt mà không nhìn thẳng vào đôi mắt đã hứa trao yêu thương trọn đời. Đây không chỉ là một lời trách nhẹ nhàng, mà còn là một lời nói để cô gái khẳng định cho anh lính an lòng trước khi ra chiến trường.

 

Quả thật đây là một bài hát mang đậm nỗi buồn của một cuộc chia ly mà hiếm có bài hát nào có thể lột tả hết. Chính vì thế, mặc dù những bài hát khác ra đời cùng khoảng thời gian, cũng nói về những cuộc chia ly của người lính, nhưng vẫn không sao có thyể lột tả được hết như Tạ Từ Trong Đêm.

 

Lê Sang BẠN CÓ BIẾT

Lê Sang

19,177 quan tâm

Ca sĩ Lê Sang sinh ngày 25/4/1980 là người con của xứ Quảng. Sở hữu vẻ đẹp ngoại hình ưa nhìn, và ở anh hội tụ nhiều phẩm chất con người miền Trung: chịu khó, dễ gần và lạc quan...nó thể hiện ở chính cuộc đời và sự nghiệp ca hát của anh.


Lê Sang được nhiều người yêu thích không chỉ với vẻ ngoài lịch lãm mà anh sở hữu giọng hát trong sáng, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Bằng chính giọng hát của Lê Sang đã chinh phục và làm lay động nhiều con tim khán giả.

 

Mặc dù không sinh ra ở miền Tây, nhưng sở trường của Lê Sang là những bài hát mang âm hưởng miền Tây sông nước. Anh trình bày những ca khúc về quê hương trữ tình cũng thiết tha và da diết như chính chất giọng con người miền Tây.

 

Sự nghiệp ca hát của anh được đánh dấu bởi bước ngoặt sản phẩm đầu tay mang chủ đề "Miền Trung ơi". Và từ đó con đường ca hát của anh ngày càng được nhiều người biết đến với cái tên chàng trai xứ Quảng, giọng hát miền Tây.


Thưởng thức giọng hát ngọt ngào của Lê Sang, nhiều khác giả nhận xét giọng của anh mang chất rất riêng và nhiều người cho rằng nó cũng hay và sánh được với những cái tên nổi tiếng như : Quang Lê, Ngọc Sơn...

 

Những ca khúc gắn liền với tên tuổi của Lê Sang
Tình Em Tháp Mười
Chiều Mưa Xứ Dừa
Miền Trung Yêu Dấu
Về Quê Em (Song ca với Lưu Ánh Loan)
Tình Muộn (Song ca với Lưu Ánh Loan)
Gõ Cửa Trái Tim (Song ca với Lưu Ánh Loan)
Gái Miền Tây (Song ca với Giáng Tiên)
Liên khúc về quê em 2 (Song ca với Giáng Tiên)

 

Lưu Ánh Loan BẠN CÓ BIẾT

Lưu Ánh Loan

9,483 quan tâm

Ca sĩ Lưu Ánh Loan sinh ngày 9-9-1977 tại Tỉnh Kiên Giang. Cô đã hoạt động trong làng âm nhạc từ khá lâu nhưng chưa được nhiều người biết tới. Cho tới khi liên khúc "Tình nghèo có nhau" và "Sầu tím thiệp hồng" của cô được đăng tải trên Youtube và thu hút được hàng triệu lượt xem, thì cái tên Lưu Ánh Loan đã được tìm kiếm nhiều hơn và được nhiều người biết đến.

 

Lưu Ánh Loan sở hữu chất giọng ngọt ngào sâu lắng và một gương mặt xinh xắn. Cô khởi nghiệp từ năm 2008 khi xuất hiện cùng nam ca sĩ Đăng Vũ trong một chương trình trên Đài truyền hình Vĩnh Long. Cặp đôi này đã thể hiện hai ca khúc "Chiều cuối tuần" và "Không bao giờ quên anh". Ánh Loan đã từng cho ra mắt nhiều sản phẩm âm nhạc, trong đó có các ca khúc được khán giả yêu thích như: "Anh thương cô Út đưa đò", "Bìm bịp tương tư", "Bưởi ơi", "Thương quá Việt Nam", "Tình ngăn đôi bờ".... 


Gần đây, ca khúc "Anh biết không anh" do Lưu Ánh Loan sáng tác và thể hiện đang được nhiều khán giả yêu thích. Mặc dù chỉ mới tập sáng tác nhưng Lưu Ánh Loan đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả. Cô xem đây là niềm động viên để giúp mình tự tin vững bước chinh phục con đường âm nhạc.


Album thành công của cô:


•    Quê Hương Mùa Xuân
•    Yêu Muộn
•    Câu Chuyện Đầu Năm
•    Duyên Dáng Gái Miền Tây
•    Lưu Ánh Loan Và Người Tình
•    Anh Biết Không Anh (Vol. 2)
•    Trả Lại Thời Gian
•    Bưởi Ơi
•    Bìm Bịp Tương Tư
•    Giai Điệu Tình Quê